Ngày 21/05/2019, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có thư kiến nghị gửi Văn phòng quốc hội và các cơ quan ban ngành liên quan về việc tháo gỡ vướng mắc trong việc thực thi quy định về BHXH bắt buộc đối với công nhân ký hợp đồng thời vụ đủ từ 1 tháng đến 3 tháng của Ngành xây dựng. Hiệp hội xin được trích nội dung Thư kiến nghị để toàn thể hội viên và bạn đọc được biết:
HIỆP HỘI CÁC NHÀ THẦU
XÂY DỰNG VIỆT NAM |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 29/VACC-VP | |
Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2019 |
THƯ KIẾN NGHỊ
(Tháo gỡ vướng mắc trong việc thực thi quy định về BHXH bắt buộc đối với công nhân ký Hợp đồng thời vụ từ đủ 1 tháng đến 3 tháng của Ngành Xây dựng)
Kính gửi: VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
Trong thời gian vừa qua Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã nhận được phản ánh từ các doanh nghiệp là Hội viên Hiệp hội về các vướng mắc, bất cập trong việc triển khai các quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm Xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 về nội dung “người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc”.
Thực trạng qua 1 năm thực hiện Luật đã có những vướng mắc tác động đến doanh nghiệp xây dựng, Hiệp hội xin được báo cáo cụ thể như sau:
Sử dụng lao động trong ngành xây dựng ở Việt Nam mang tính đặc thù, công việc xây dựng không có tính chủ động như sản xuất công nghiệp trong nhà máy – kế hoạch sử dụng nhân lực phụ thuộc vào kế hoạch công trình, dự án – lúc có nhu cầu lao động lớn, lúc ít. Ngay cả trong quy trình 1 đời dự án, việc sử dụng lao động phổ thông không có yêu cầu cao về chuyên môn kỹ thuật cũng phụ thuộc vào từng giai đoạn của mỗi dự án. Chính vì đặc thù đó, có thể nói: việc sử dụng lao động phổ thông hay lao động nông nhàn là 1 đặc điểm riêng của ngành xây dựng trong việc sử dụng nhân lực. Có thể khẳng định hiện nay tất cả các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đều phải sử dụng lực lượng lao động nông nhàn (từ những doanh nghiệp đứng hàng đầu có doanh số đến gần 30 nghìn tỷ đồng cho tới các doanh nghiệp nhỏ mỗi năm chỉ 5-10 tỷ). Tỉ lệ lao động nông nhàn – lao động phổ thông nhìn chung trên cả thị trường xây dựng phải chiếm từ 65÷70% trong tổng số lao động trong ngành xây dựng. Thực tế này của ngành Xây dựng Việt Nam là một vấn đề có ý nghĩa nhân văn rất lớn: nông dân không phải ngày mùa có thể đi làm xây dựng để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mặt khác về phía các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam cũng giải quyết được một thực tại là: không phải lúc nào cũng có đủ công việc cho khối lượng lao động khổng lồ của mình, đặc biệt là những công việc lao động đơn giản không cần trình độ tay nghề như: công việc đào đắp, vận chuyển vật liệu,… của phụ nề hoặc lao động phổ thông. Tuy nhiên với việc thực hiện Luật Bảo hiểm Xã hội số 58/2014/QH13 thì từ cả 2 phía: doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động đều thấy không hợp tình, hợp lý:
- Đối với người lao động thời vụ: Mặc dù đã được tuyên truyền nhưng những người lao động thời vụ thường là nông nhàn theo thời vụ không muốn bị giảm trừ thu nhập, khi bị khấu trừ BHXH hàng tháng thì họ đều không đồng tình vì thực chất họ không sử dụng các quyền lợi, chế độ mà BHXH có thể dành cho họ như khám chữa bệnh, chăm sóc ốm đau,…Vì vậy việc tuyển dụng lao động phổ thông cho các công việc thời vụ trở nên khó khăn hơn.
- Đối với doanh nghiệp xây dựng: Do thiếu hụt lao động ngắn hạn, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đều gặp thách thức rất lớn trong việc đảm bảo tiến độ của các dự án. Để đảm bảo được kế hoạch nhân lực của công việc, đa số các doanh nghiệp xây dựng đã phải đóng bảo hiểm thay người lao động để có đủ nhân lực thực hiện dự án. Qua báo cáo của các thành viên trong Hiệp hội, có doanh nghiệp đã phải nộp tiền BHXH thay cho người lao động hàng chục tỷ đồng trong năm 2018. Những vấn đề đó đang tiếp diễn trong năm 2019.
- Nợ đọng đang là gánh nặng đối với doanh nghiệp: Tình hình nợ đọng trong XDCB vẫn không được khắc phục ở tất cả các dự án đặc biệt là dự án vốn ngân sách nhà nước. Có doanh nghiệp trong 5 năm có đến 336 công trình đang còn nợ, số tiền nợ đọng bình quân khoảng 7% giá trị gói thầu (giá trị gói thầu 12.400 tỷ, nợ 854 tỷ) trong đó có gói thầu nợ đọng lên tới 24%; nay lại gánh thêm khoản trả nợ thay tiền bảo hiểm của người lao động hợp đồng ngắn hạn, thậm chí cả tiền phạt nữa thực sự là gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Với thực trạng của các doanh nghiệp xây dựng trong việc sử dụng lao động ngắn hạn, Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) kính đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét những kiến nghị sau:
* MỘT SỐ KIẾN NGHỊ:
Với những khó khăn đặc thù nêu trên, Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) khẩn thiết kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm Xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 theo hướng sau:
- Đề xuất thực hiện kê khai và phân loại đóng BHXH cho công nhân thời vụ theo quý hoặc theo năm (căn cứ thời gian thực tế lao động của mỗi công nhân tổng kết vào thời điểm cuối quý hoặc năm) để phù hợp với đặc điểm thực tế của ngành xây dựng, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp xây dựng và công nhân xây dựng thời vụ.
- Mức tính đóng bảo hiểm cho người lao động thời vụ theo quý có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 3 tháng chỉ tính trên tiền lương tối thiểu vùng, các khoản tiền khác như tiền tăng ca, làm thêm giờ, và các hỗ trợ khác nhằm thu hút lao động thì tạm thời chưa đóng bảo hiểm; sau thời gian 3 năm đánh giá, tổng kết và khi có điều chỉnh cách tính dự toán trong chi phí xây dựng gói thầu (nêu tại điểm 3 dưới đây) sẽ điều chỉnh lại sau.
- Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thay đổi cách tính dự toán trong chi phí xây dựng gói thầu theo hướng xác định chi phí cho công tác bảo hiểm người lao động trong gói thầu tách ra thành một khoản mục riêng và được cộng vào giá trị gói thầu trong hợp đồng.
Kính mong Quốc hội quan tâm xem xét tới đặc thù của ngành xây dựng, có ý kiến điều chỉnh để Luật thực sự đi vào cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn.
Nơi nhận: – Như trên; – Văn phòng Chính Phủ – UB Pháp luật QH; – UB KH&CN QH; – Các Bộ Xây dựng, Tài chính KH&ĐT, LĐTB-XH; – BHXH Việt Nam; – Hội viên VACC; – Lưu VP.
|
T/M HIỆP HỘI CÁC NHÀ THẦU XDVN
Chủ tịch Nguyễn Quốc Hiệp (đã ký)
|
Bình luận mới