Trong không gian ấm áp tại trụ sở Tổng Công ty 319 Bộ Quốc Phòng, buổi Cafe nhà thầu xây dựng lần 3 của Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (Hiệp hội) với sự tham dự của nhiều nhà thầu xây dựng lớn đã thực sự mang lại nhiều giác trị thiết thực cho các thành viên Hiệp hội nói riêng và ngành xây dựng nói chung. Với mong muốn được lắng nghe ý kiến trực tiếp từ các nhà thầu xây dựng Việt Nam về các thực trạng và khó khăn của các nhà thầu để Hiệp hội có thể hỗ trợ và xây dựng tiếng nói chung đề xuất lên các cơ quan chức năng tìm cách tháo gỡ và giúp cho các doanh nghiệp xây dựng hoạt động bền vững trong bối cảnh hết sức khó khăn của ngành xây dựng Việt Nam hiện nay, tại buổi toạ đàm, rất nhiều những thực trạng và khó khăn của nhà thầu xây dựng được bày tỏ.
Theo Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, các khó khăn về định mức nhân công, cơ chế thanh toán và đặc biệt là việc cạnh tranh không lành mạnh, đấu thầu phá giá dự án ngày càng trở nên khốc liệt – Các vấn đề này hiện đang là vấn đề nóng của ngành xây dựng, nếu các nhà thầu không tỉnh táo mà mải miết chạy theo vòng quay này thì việc “đóng cửa” sẽ diễn ra không trước thì sau. Với các quy định hiện nay thì nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thanh toán, ranh giới giữa đúng và sai là rất nhỏ, nhà thầu rất lúng túng nhiều khi không biết phải làm thế nào cho đúng, nguồn vốn ứ đọng dẫn đến khó khăn chồng khó khăn.
Đại tá Phan Phú, Chủ tịch Tổng Công ty 319, đồng ý với ý kiến về Thông tư 12, rất thiết thực nhưng sau thông tư này, liên quan đến thanh toán cơ chế đặc thù về cấp mỏ, cần có hướng dẫn. Bên cạnh đó, Các đơn vị cũng đang rất khó khăn về chi phí giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu (không nằm ở diện tích được thu hồi) giao cho các nhà thầu tự đi thoả thuận với dân nên rất khó, có chỗ gấp cả chục lần thông thường. Cần có vật liệu để phục vụ dự án nên phải chấp nhận. Vì vậy đề nghị trong chủ trương thực hiện dự án, xác định lấy mỏ nào thì thu hồi luôn mỏ đó. Về việc cạnh tranh không lành mạnh, đấu thầu phá giá đang diễn ra hết sức khốc liệt như hiện nay giữa các nhà thầu như đang quay lại thời gian 20 năm trước và tất yếu sẽ dẫn đến sự tồn vong của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, đề nghị VACC tổ chức buổi toạ đàm riêng về nội dung này để tìm ra những biện pháp bảo vệ hiệu quả các nhà thầu xây dựng uy tín, duy trì sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu để ngăn ngừa cuộc chiến cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra hết sức khốc liệt hiện nay.
Đang đối mặt với các khó khăn, đại diện Công ty Hoà Bình chia sẻ nợ đọng là vấn đề trầm kha của ngành xây dựng, dòng tiền là mạch máu của doanh nghiệp, chủ yếu là dùng vốn vay ngân hàng. Cần có kiến nghị các cơ quan liên quan đưa vào luật hoá để có cơ chế ràng buộc trách nhiệm thanh toán, có định chế về bảo lãnh thanh toán. Đề nghị VACC kết nối với các ngân hàng để tổ chức buổi làm việc trao đổi về việc hỗ trợ các cơ chế đặc thù cho nhà thầu xây dựng.
Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng hiện nay chế tài bảo vệ nhà thầu rất yếu, vai trò của nhà thầu với Chủ đầu, ngân hàng đều là thứ yếu và làm việc theo cơ chế xin – cho. Do đó, các nhà thầu cần đoàn kết để tìm ra tiếng nói chung thông qua các cơ quan truyền thông phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước những vướng mắc của mình để bảo vệ lợi ích hợp pháp và vị thế đúng của các nhà thầu xây dựng.
Ông Nguyễn Khắc Hải – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam bày tỏ mong muốn với Hiệp hội làm sao để chính sách đi vào cuộc sống, được cụ thể hoá và sát với thực tế thị trường. Vinaconex cũng gặp các vướng mắc tương tự như các nhà thầu khác khi tham gia các công trình giao thông là công tác giải phóng mặt bằng và nguồn cấp vật liệu, đơn giá, định mức. Đồng tình với đề nghị của Tổng công ty 319, Vinaconex đề nghị VACC sớm tổ chức diễn đàn “Cạnh tranh lành mạnh” giữa các nhà thầu lớn, cùng chung tay xây dựng các tiêu chí chung về văn hoá doanh nghiệp nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Ghi nhận những ý kiến,kiến nghị của đại diện các nhà thầu tham gia buổi café nhà thầu, Chủ tịch VACC – Ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị các doanh nghiệp gửi các kiến nghị về cơ chế đặc biệt trong đầu tư công; Cung cấp các thông tin cụ thể về các gói thầu cạnh tranh không lành mạnh bằng văn bản tới VACC để trên cơ sở đó, VACC sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất và cùng nhau ký và gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn,vướng mắc chung cho các nhà thầu xây dựng. Và chủ đề chính của buổi café lần 4 sẽ xoay quanh vấn đề cạnh tranh không lành mạnh và xây dựng văn hoá doanh nghiệp cho các nhà thầu xây dựng, ngoài ra VACC cũng sẽ kết nối tổ chức các buổi làm việc chuyên đề với ngân hàng nhằm xây dựng cơ chế đặc thù cho các nhà thầu xây dựng.
Tiếp đó, Ông Tuấn – Trưởng Ban pháp chế đã phổ biến các điểm cần chú ý đối với công tác đấu thầu qua mạng quy định tại Luật đấu thầu số 22/2023/QH15 sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2025 tới đây.
Ông Dương Văn Cận – Phó Chủ tịch VACC thông tin hiện VACC đang xây dựng và sớm hoàn thiện 5 nhóm tiêu chí quy định về văn hoá nhà thầu gửi các đơn vị thành viên góp ý và chỉnh sửa dự kiến ban hành vào cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch VACC kết luận, với tinh thần đoàn kết và quyết tâm xây dựng cộng đồng nhà thầu lành mạnh, phát triển bền vững, VACC sẽ có văn bản tổng hợp các kiến nghị tại buổi toạ đàm, đồng thời đề nghị các đơn vị ký trực tiếp để tăng tính hiệu quả gửi đến Thủ tướng và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo kế hoạch, Chương trình Cafe nhà thầu xây dựng lần thứ 4 sẽ tiếp tục được tổ chức tại Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn vào tháng 12/2024 tới.
Một số hình ảnh Cafe nhà thầu xây dựng lần 3 ngày 24/08/2024